CB#1: Âm Dương, Ngũ Hành và Can Chi

Theo thông thường, đối với một lộ trình học kinh dịch theo các sách thì sẽ là giới thiệu lịch sử Kinh dịch từ đâu mà ra, Hà Đồ là gì? Lạc Thư là gì,..

Nhưng mình cũng đã từng học như vậy và thấy những kiến thức này có thể học lại sau khi đã yêu thích. Những điều đầu tiên cần phải ghi nhớ và học đó là Can Chi và Ngũ Hành.

1. Âm Dương

Khởi đầu của vạn vật là Âm và Dương. Cái gì cũng sẽ có hai mặt âm và dương, và cái gì cũng có thể phân biệt được âm và dương.

Ví dụ:

  • Nam và nữ thì Nam là dương, nữ là Âm.
  • Mặt trời là dương, mặt trăng là âm

2. Ngũ Hành

Trong kinh dịch cơ bản thông thường sẽ dùng 5 ngũ hành chính là Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. Ngoài ra chuyên sâu còn nhiều hệ ngũ hành khác nữa mà khi tìm hiểu chuyên sâu các bạn sẽ biết sau.

Các ngũ hành này có mối quan hệ với nhau là tương sinh và tương khắc.

Ngũ hành tương sinh

  • Kim sinh ra Thủy: Quan điểm người xưa thì Kim chính là Trời, trời đổ mưa xuống.
  • Thủy sinh Mộc: Nước là nguồn nuôi dưỡng cây
  • Mộc sinh Hỏa: Cây khô đốt thì tạo ra lửa
  • Hỏa sinh Thổ: Hỏa đốt cháy tạo thành tro thành Thổ
  • Thổ sinh kim: Trong đất thì có quặng kim loại

Ngũ hành tương khắc

  • Kim thì khắc mộc: Dao, rừu thì chặt được cây
  • Thủy khắc Hỏa: Nước dội vào lửa thì lửa tắt
  • Mộc khắc Thổ: Mộc thì rễ đâm vào lòng đất, hút dinh dưỡng từ đất
  • Hỏa khắc Kim: Lửa đốt nóng làm kim loại tan chảy
  • Thổ khắc Thủy: Đất lấp thì chặn dòng nước, lấp hồ ao

Ngũ hành đơn giản thì chỉ có sinh và khắc, nhưng thực tế áp dụng thì phức tạp hơn nhiều vì mọi việc nó không đi theo một chiều như vậy. Thường thì trường hợp sinh khắc cứ ngang bằng thì có khả năng sinh hay khắc, trong nhiều trường hợp vì ngũ hành sinh quá to, hay quá bé cũng không thể sinh khắc nhau được.

Nhưng theo mình mới đầu học thì chỉ cần nắm được sinh khắc đã là tốt lắm rồi.

Ví dụ cho trường hợp không thuần sinh khắc như:

  • Kim thì khắc mộc, nhưng dao bé thì làm sao chặt được cây to, gỗ cứng.
  • Thủy khắc hỏa nhưng 1 gáo nước làm sao dập được một đống lửa to
  • Thổ khắc thủy nhưng nếu thủy nhiều như dòng sông, thổ như hòn đất thì ném xuống nước rồi chìm và hóa bùn thôi.
  • Thủy sinh mộc, nhưng nếu nước nhiều cây nhỏ thì cây chết trôi chứ làm sao sinh được
  • Thổ sinh kim nhưng nếu thổ nhiều quá, rộng lớn thì kim bị vùi lấp
  • Hỏa sinh thổ, nhưng nếu hỏa nhiều thì thổ cũng bị đốt cháy khét.

3. Can Chi

Vạn vật mọi thứ khi nghiên cứu kinh dịch thì đều thâu tóm lại ở Thiên Can và Địa Chi. Với một người không biết gì về kinh dịch thì chắc chắn cũng nghe qua năm 2023 mọi người hay gọi là năm Quý Mão, 2024 mọi người hay gọi là năm Giáp Thìn.

Trong mỗi thiên can, địa chi đều có tính âm dương của nó. Ở dưới đây mình ghi luôn ngũ hành và âm dương của Can Chi

Thiên can thì gồm có:

  • Giáp – Dương – Ngũ hành Mộc
  • Ất – Âm – Ngũ hành Mộc
  • Bính – Dương – Ngũ hành Hoả
  • Đinh – Âm – Ngũ hành Hoả
  • Mậu – Dương – Ngũ hành Thổ
  • Kỷ – Âm – Ngũ hành Thổ
  • Canh – Dương – Ngũ hành Kim
  • Tân – Âm – Ngũ hành Kim
  • Nhâm – Dương – Ngũ hành Thuỷ
  • Quý – Âm – Ngũ hành Thuỷ

Địa Chi thì gồm có:

  • – Dương – Ngũ hành Thuỷ
  • Sửu – Âm – Ngũ hành Thổ
  • Dần – Dương – Ngũ hành Mộc
  • Mão – Âm – Ngũ hành Mộc
  • Thìn – Dương – Ngũ hành Thổ
  • Tị – Âm – Ngũ hành Hoả
  • Ngọ – Dương – Ngũ hành Hoả
  • Mùi – Âm – Ngũ hành Thổ
  • Thân – Dương – Ngũ hành Kim
  • Dậu – Âm – Ngũ hành Kim
  • Tuất – Dương – Ngũ hành Thổ
  • Hợi – Âm – Ngũ hành Thuỷ

Thiên can kết hợp địa chi thì gọi là cặp can chi. Can dương thì đi với chi dương, can âm đi với chi âm.

Ví dụ: Giáp Thìn, Giáp Tuất, Giáp Dần chứ không có Giáp Sửu, Giáp Mão hay Giáp Dậu.

Ngoài ra khi kết hợp can chi với nhau là Giáp Thìn thì Giáp ta có nạp âm của Giáp Thìn là hành Hoả. Cách tính ngũ hành tôi sẽ hướng dẫn sau.

Cái này thường mọi người hay lấy năm sinh để xác định ai đó ngũ hành gì, dân gian hay xem có hợp nhau hay không.

Ví dụ 1990 Canh Ngọ hành thổ, 1991 Tân Mùi hành thổ. nên mọi người thường bảo 90 & 91 cùng thổ hợp nhau.

Hôm nay tạm dừng ở đây đã. Bài sau sẽ học sâu hơn về hợp, khắc của can và chi.

Leave a Comment